top of page

TẠI SAO BẠN HỎI NHƯNG KHÔNG AI TRẢ LỜI?

Đã cập nhật: 2 thg 10, 2023

"Các bạn có câu hỏi nào không?"


Bạn hẳn đã ít nhất một lần nghe câu hỏi này hoặc chính bạn cũng đã từng đặt ra câu hỏi này trong các lớp đào tạo hoặc các buổi thuyết trình. Rồi sao? Một sự im lặng đáng sợ bao trùm cả căn phòng. Với tư cách là một giảng viên hoặc một người thuyết trình, bạn sẽ nghĩ “Tôi đã có một bài giảng/bài trình bày hay như vậy mà không ai có câu hỏi gì sao?”. Còn với tư cách một người nghe/học viên, bạn sẽ nhìn quanh, tìm kiếm và hi vọng một tiếng nói nào đó cất lên, phá tan sự im lặng đáng sợ này.

"Các bạn có câu hỏi gì không?" - Đây thực sự là câu hỏi có thể gây ra nỗi ám ảnh cho cả người hỏi và người nghe.

Tại sao? Tại sao câu hỏi “Các bạn có câu hỏi nào không” lại luôn là nỗi ám ảnh trong các buổi học và thuyết trình?

Sau đây là 3 lý do:

  1. Thực tế là bạn ra đặt câu hỏi này nhưng bạn không thật sự muốn nghe câu trả lời. Với tư cách là người đào tạo, diễn giả, điều bạn muốn biết là liệu những gì bạn nói có chạm được tới người học, khán giả hay không. Bạn muốn biết liệu những gì bạn nói có tác động tới suy nghĩ của họ hay không. Sau buổi học, liệu họ có thay đổi hành vi không. Liệu họ có hiểu rõ bài giảng, bài thuyết trình của bạn và thấy có cảm hứng không.

  2. Thành thật mà nói, đây là một câu hỏi thực sự dễ đoán và nhàm chán. Nó thể hiện sự lười biếng của người giảng viên/người thuyết trình. Nhưng thực sự rất nhiều giảng viên/người thuyết trình họ không biết phải nói gì khác khi kết thúc bài thuyết trình/bài giảng của mình, và vì thế, họ chẳng còn cách nào ngoài việc đặt ra một câu hỏi cũ rích. Người nghe thì đã nghe câu hỏi này cả trăm lần, và họ chán đến nỗi chẳng buồn trả lời, chỉ ngồi im và chờ đợi một ai đó lên tiếng.

  3. “Các bạn có câu hỏi nào không?” Bạn có nhận ra câu hỏi này quá khó để trả lời không? Một câu hỏi quá chung chung và quá rộng. Đôi khi người nghe họ cũng muốn trả lời đấy, nhưng họ sẽ phải:

  • Nhớ lại các chi tiết trong bài giảng

  • Xem xem có chỗ nào không rõ ràng cần giải đáp không

  • Tìm ra vấn đề để hỏi

  • Nghĩ xem nên hỏi như thế nào cho hợp lý về từ ngữ

  • Đánh giá câu hỏi đã đúng chưa, có bị “quê” hay không. Nếu thấy vẫn chưa đúng, lại tìm một câu hỏi khác

  • Đánh giá câu hỏi có đáng để hỏi hay không

Một quy trình quá dài và mệt mỏi. Kết quả chính là... sự im lặng.

Hãy thay đổi cách đặt câu hỏi trong bài giảng hoặc bài thuyết trình của bạn

Hãy ngưng hỏi "Có câu hỏi gì không?". Thay vào đó,


Hãy thử làm cho người nghe thích thú hơn bằng các câu hỏi:

  • "Điều gì khiến bạn thích X?"

  • "Sau khi lắng nghe những gì tôi nói, bạn đang mong muốn làm gì, bạn muốn thử điều gì? Tại sao?"

Hãy thúc đẩy người nghe thay đổi hành vi hiện tại và hỏi...

  • “Dựa vào Y, bạn sẽ làm điều gì khác biệt so với trước đây?”

  • “Bạn sẽ nói điều gì đó khác biệt chứ?”

Hãy khuyến khích người nghe áp dụng thông tin mà bạn cung cấp vào lĩnh vực cụ thể trong công việc, nghề nghiệp hoặc sở thích của họ, và hỏi...

  • "Bạn sẽ sử dụng Z như thế nào? Hãy liệt kê ba ví dụ."

  • "Bạn dự định làm gì để cải thiện/gây ảnh hưởng tích cực cho A, B, hoặc C?"

Hãy thúc đẩy họ suy nghĩ thấu đáo hoặc lập kế hoạch cho tương lai, và hỏi...

  • "Thông tin này có ý nghĩa gì với X?"

  • "Trong số những tính năng/sản phẩm này, bạn sẽ sử dụng cái nào? Vì sao?"

Các câu hỏi này không chỉ dành cho phần kết thúc, nó có thể được hỏi trong suốt buổi thuyết trình hoặc bài giảng của bạn.


Ngoài ra, hãy tránh hỏi các câu hỏi như "Bạn không thích gì về X?" hay "Phần tồi tệ nhất của Y là gì?" vì nó có thể mang đến một cảm giác tiêu cực. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, những câu hỏi kiểu này sẽ có tác dụng; đặc biệt, nếu bạn muốn người nghe chú ý về một vấn đề mà giải pháp của vấn đề đó là chủ đề chính trong bài nói của bạn. Dù vậy, hãy thật cẩn trọng khi đặt câu hỏi dạng này.

Nguồn tham khảo: td.org - Dịch bởi Đỗ Thành Công


Đỗ Thành Công

Certified Instructional Design & Virtual Training, ATD

Comments


bottom of page