top of page

TƯ DUY QUAN TRỌNG ĐỂ THIẾT KẾ MỌI KHOÁ HỌC HIỆU QUẢ

Đã cập nhật: 2 thg 10, 2023

Bạn có đang rơi vào tình huống sau: Bạn có một chuyên môn cụ thể. Bạn rất giỏi trong một lĩnh vực nào đó. Và bây giờ, bạn đang ấp ủ để thiết kế một chương trình đào tạo riêng của mình. Tuy nhiên, bạn gặp rất nhiều khó khăn. Không biết phải truyền tải rất nhiều kiến thức và kinh nghiệm trong đầu sang một chương trình đào tạo thế nào để đạt hiệu quả cao nhất và giúp học viên của mình có thể ứng dụng trong thực tế.


Nếu bạn gặp bất kỳ tình huống nào như vậy, bài viết này sẽ dành cho bạn. Trong bài viết này, Công sẽ chia sẻ với các bạn hai nội dung chính. Đầu tiên, đó là sai lầm kinh điển mà hầu hết những người giỏi chuyên môn mới bắt đầu thiết kế chương trình gặp phải. Thứ hai, là tư duy giúp bạn thiết kế mọi chương trình đào tạo một cách hiệu quả nhất.

Để thiết kế một chương trình đào tạo hiệu quả, kiến thức chuyên môn là chưa đủ. Bạn cũng cần phải thay đổi cả tư duy của mình

Sai lầm kinh điển


Sai lầm kinh điển khi thiết kế chương trình đào tạo là tập trung quá nhiều vào nội dung, hay còn gọi là "learning content". Khi thiết kế chương trình, mọi người sẽ thường nghĩ rằng mình có rất nhiều nội dung hay, và chỉ muốn đưa hết vào chương trình đào tạo. Nhưng đây là một tư duy sai lầm và có thể dẫn đến nhiều vấn đề:


Thứ nhất, với tư duy "learning content", giảng viên không đi từ góc độ của học viên. Giảng viên không xem người học thực sự cần gì, người học muốn gì và đặc điểm của người học như thế nào. Và hậu quả của việc tập trung quá nhiều vào nội dung là chúng ta sẽ rơi vào trạng thái quá tải thông tin. Quá tải cho cả giảng viên và cả học viên. Giảng viên sẽ rất mệt mỏi và tốn cực kỳ nhiều công sức để soạn tài liệu đào tạo. Còn học viên, họ sẽ nhanh chóng bị đầy thông tin và không thể đón nhận và xử lý được nữa.


Để giúp các bạn dễ hình dung, Công sẽ lấy hai ví dụ thực tế từ đời sống.

  • Ví dụ một, với những giảng viên đã làm chuyên môn trong nhiều năm, lượng kiến thức và kinh nghiệm của các bạn sẽ giống như một thùng nước đầy. Nhưng với học viên, họ là người mới trong lĩnh vực đó và trong một khoảng thời gian ngắn, họ chỉ tiếp nhận được một cốc nước thôi. Nếu các bạn cầm cả thùng nước đổ vào, học viên chỉ có thể tiếp nhận được một phần nhỏ, còn tất cả những thứ còn lại sẽ trôi ra ngoài. Khả năng xử lý thông tin của não người có giới hạn trong một khoảng thời gian. Nên nếu trong thời gian ngắn, mình nhồi nhét quá nhiều vào, kiến thức sẽ trôi đi rất nhiều và học viên sẽ cảm thấy khó để tiếp nhận.

  • Ví dụ thứ hai, trong một bữa ăn, bản thân chúng ta cũng chỉ ăn một lượng nhất định. Nhưng nếu chúng ta bị nhồi nhét quá nhiều, chuyện gì sẽ xảy ra? Chúng ta sẽ bị đầy bụng, ợ hơi và rất khó tiêu hóa những gì mình đã ăn. Những thức ăn thừa có thể gây ra tình trạng rối loạn tiêu hóa. Tất cả những thứ mình tiếp nhận cũng có thể bị tiêu hóa không đầy đủ, dẫn đến cảm giác nặng bụng và không thoải mái. Điều này có thể gây rủi ro rất lớn khi chúng ta quá tải thông tin.

Một hậu quả khác của việc tiếp nhận quá nhiều thông tin trong thời gian ngắn là khả năng thiết kế hoạt động học tập bị hạn chế. Bởi vì mất quá nhiều thời gian để truyền tải thông tin và chia sẻ nội dung, chúng ta có thể không còn đủ thời gian để tổ chức các hoạt động học tập thực tế. Học viên cũng sẽ bị quá tải thông tin, và khó có thể áp dụng vào thực tế. Sự thay đổi của họ trong công việc hay cuộc sống cũng rất khó để nhận thấy, và thông tin mà chúng ta chia sẻ có thể không còn có giá trị.


Tiếp nhận quá nhiều thông tin một lúc có thể khiến học sinh mệt mỏi, từ đó giảm hiệu quả học tập

Hơn nữa, hiện nay nội dung hay thông tin không còn là bí mật. Ngày trước, cơ hội để mọi người có thể tiếp cận các nguồn thông tin uy tín và chất lượng rất khó khăn. Nhưng bây giờ, mọi thứ đã thay đổi. Chỉ cần biết một chút tiếng Anh và kỹ năng tìm kiếm trên internet, ai cũng có thể tìm được nguồn thông tin miễn phí và uy tín. Mọi người có thể học từ các giáo sư hàng đầu thế giới trên các nền tảng trực tuyến như Coursera, hoặc từ các nguồn thông tin trên YouTube. Ngoài ra, hiện tại công nghệ đang phát triển mạnh mẽ, cho phép biến những kiến thức khô khan và phức tạp thành những khái niệm đơn giản và dễ hiểu. Điều này giúp người học dễ dàng tiếp cận và hấp thụ thông tin.


Tư duy "learning transformation"


Thay vì tập trung vào nội dung học tập, chúng ta cần tập trung vào sự chuyển hóa của học viên, hay còn gọi là "learning transformation". Điều này liên quan đến việc thực sự thay đổi hành vi và ứng dụng kiến thức vào thực tế. Thay vì chỉ đổ một lượng lớn thông tin vào đầu học viên, chúng ta nên tập trung vào việc giúp họ thay đổi và phát triển. Cách thiết kế chương trình cũng sẽ khác hoàn toàn, chúng ta sẽ chỉ chọn lọc những nội dung quan trọng nhất để giúp học viên áp dụng vào thực tế, còn những thông tin khác có thể được cung cấp dưới dạng tài liệu tham khảo.


Trong thời gian học, chúng ta nên tập trung vào việc thực hành, thử nghiệm và rèn luyện liên tục. Điều này sẽ giúp học viên thực sự trải nghiệm và áp dụng kiến thức, thay vì chỉ đơn thuần là tiếp nhận thông tin. Cách tiếp cận này sẽ giúp chúng ta thực sự đạt được sự thay đổi và chuyển hóa, và tạo ra giá trị thực sự cho học viên.

Bí quyết là hãy tạo điều kiện để học viên được thực hành nhiều hơn, được sai và sửa sai.

Bí quyết để có sự chuyển hóa là cần dành phần lớn thời gian để học viên có cơ hội thực hành, làm thực tế và nhận phản hồi từ giảng viên cũng như từ những người khác. Quá trình này đòi hỏi học viên phải đổ mồ hôi và nước mắt, phải vất vả và nỗ lực. Chính trong những khoảnh khắc như vậy, học viên sẽ trải qua sự thay đổi từ bên trong. Do đó, bạn sẽ thấy kết quả cuối cùng có sự khác biệt rất nhiều.


Một ví dụ khác liên quan đến chương trình đào tạo của Công: Cách đây khoảng 2-3 năm, khi phát triển chương trình Virtual training, chương trình giúp học viên phát triển khả năng thiết kế và giảng dạy trực tuyến tương tác cao, Công thường dành 4-6 buổi trong vòng 2 tuần để hướng dẫn học viên.


Tuy nhiên, Công đã nhận ra sai lầm kinh điển là mình chỉ tập trung vào nội dung. Do đó, hiện tại, khi phát triển khoá học Becoming a Successful Online Trainer, thay vì tập trung quá nhiều vào việc chuẩn bị slide và tạo ra nội dung hấp dẫn, Công đã dành nhiều thời gian hơn cho hoạt động thực hành và giảng dạy trực tiếp. Công đã tạo ra nhiều trải nghiệm thực tế trên lớp, hướng dẫn học viên về việc sử dụng Zoom và tương tác với học viên.

Một ví dụ rất tích cực là về một chị học viên trong lớp của Công. Chị rất giỏi trong việc giảng dạy trực tiếp và đã dạy trong nhiều năm. Tuy nhiên, chị gặp nhiều rào cản tâm lý và nhiêu khó khăn khi phải đào tạo trực tuyến do chị chưa từng làm bao giờ. Công đã cung cấp nhiều tài liệu và hướng dẫn về việc sử dụng Zoom và kỹ năng giảng trực tuyến hiệu quả, nhưng không tạo ra sự chuyển hóa nào.

Chỉ sau một buổi giảng thử thực tế và nhận phản hồi chi tiết từ Công và các học viên khác, chị đã trải qua sự thay đổi lớn. Chị tự tin hơn với việc tương tác qua môi trường trực tuyến và xoá bỏ được niềm tin giới hạn của mình. Chị đã thay đổi được cách thức đào tạo trực tuyến của mình để hiệu quả và chuyên nghiệp hơn.

Bí quyết ở đây không phải chỉ là tập trung vào nội dung lý thuyết, bạn cần cấu trúc hóa và chọn những nội dung quan trọng nhất để học viên biết. Hãy tạo cơ hội cho học viên thực hành, làm thật và nhận phản hồi để họ có thể trưởng thành và thay đổi.

Ví dụ này chỉ ra rằng việc tập trung vào kết quả đầu ra và sự chuyển hóa thực sự của học viên mới thực sự tạo ra ý nghĩa cho chương trình đào tạo. Hãy tạo môi trường an toàn để học viên thực hành, làm thực tế và phát triển. Điều này sẽ tạo ra sự khác biệt thực sự trong chương trình của các bạn.


Chúc các bạn thành công trong việc thiết kế các chương trình đào tạo hiệu quả, tập trung vào việc chuyển hóa và thực sự giúp học viên thay đổi!


Đỗ Thành Công

Certified Instructional Design & Virtual Training, ATD





Comentarios


bottom of page