top of page

NGUYÊN TẮC & KINH NGHIỆM GHI HÌNH VIDEO BÀI GIẢNG HIỆU QUẢ

Đã cập nhật: 2 thg 10, 2023

Không ít giảng viên dù có đã nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy trực tiếp vẫn cảm thấy rất lúng túng, thiếu tự tin khi ghi hình bài giảng trực tuyến. Họ cảm thấy bài giảng của mình thiếu năng lượng, không tự nhiên, không có sự kết nối với người học. Trong quá trình thực hiện nhiều video bài giảng cũng như giảng dạy trực tuyến, Công đã đúc kết được một số kinh nghiệm giúp các giảng viên ghi hình bài giảng trực tuyến một cách hiệu quả. Hi vọng bài viết này sẽ hữu ích với các bạn.


1. Thiết lập camera hiệu quả

Dù bạn sử dụng thiết bị nào để quay bài giảng (điện thoại, máy quay,…), bạn cũng cần lưu ý một số nguyên tắc sau:

  • Để camera ngang tầm mắt, cách người từ 80-100cm: Khi để camera ngang tầm mắt, sự tương tác với người học sẽ tăng lên bởi học viên sẽ có cảm giác giảng viên đang nhìn vào mắt mình. Khoảng cách tối thiểu từ 80-100cm sẽ đảm bảo camera thu được toàn bộ hình ảnh của giảng viên, bao gồm cả đầu, tay và nửa thân trên. Nếu để camera quá gần, học viên chỉ nhìn thấy mặt của giảng viên, hiệu ứng khi tương tác với giảng viên sẽ bị hạn chế. Khoảng cách này cũng không nên quá xa, sẽ khiến người bị bé.

Khi để camera ngang tầm mắt, sự tương tác với người học sẽ tăng lên bởi học viên sẽ có cảm giác giảng viên đang nhìn vào mắt mình.
  • Khi thiết lập camera, hãy đảm bảo trong khung hình, đầu của bạn không bị cắt, mà nên có một khoảng trống phía trên. Bạn có thể ngồi chính giữa khung hình, hoặc ngồi lệch sang một bên nếu bạn muốn ghép text, hình ảnh hoặc hiệu ứng vào khu vực khoảng không.

  • Micro rất quan trọng trong quá trình ghi hình bài giảng trực tuyến. Một bài giảng trực tuyến dù hình ảnh có đẹp như thế nào, nhưng nếu học viên không nghe rõ lời giảng viên, cũng sẽ không mang lại hiệu quả giảng dạy. Bạn có thể sử dụng micro tích hợp sẵn trên thiết bị ghi hình nếu micro đó có chất lượng tốt. Nếu không, bạn cần mua thêm thiết bị micro ngoài. Hãy kẹp micro vào cổ áo, giấu dây vào phía trong.


2. Xây dựng chi tiết kịch bản nội dung


Nếu không xây dựng chi tiết kịch bản nội dung trước khi ghi hình, khả năng cao bạn sẽ gặp rất nhiều lỗi. Điều này vừa khiến bạn mất thời gian ghi hình đi ghi hình lại, vừa khiến phần sửa hậu kỳ vất vả hơn.


Bạn cần chuẩn bị kịch bản nội dung chi tiết, bao gồm: Mở đầu, Phát triển, kết thúc, các hình ảnh, slide, hiệu ứng dự định sẽ dùng. Đối với những người hoạt ngôn, bạn không nên viết chi tiết kịch bản từng từ một và đọc, điều này sẽ khiến bài giảng của bạn thiếu tự nhiên. Thay vào đó, hãy gạch đầu dòng outline, từ khoá, sau đó, bạn chỉ cần bám vào đó và tự diễn đạt theo cách của mình.


Đối với những người ít kinh nghiệm hoặc không quá hoạt ngôn, bạn có thể viết chi tiết những điều mình định nói. Sau đó, bạn có thể in ra giấy, dán ngay phần phía dưới của camera. Khi nói bạn có thể vừa nhìn camera, vừa liếc mắt xuống phía dưới để đọc. Hoặc đơn giản hơn, bạn có thể để phần text đó ngay trên màn hình máy tính. Tuy nhiên, đối với Công, Công thích in ra giấy hơn bởi Công có thể chỉnh sửa, ghi chú, nổi bật những từ khoá quan trọng. Và dù bạn có sử dụng cách này, hãy nhớ luyện tập nhiều lần để bài giảng được trôi chảy.


3. Sử dụng hiệu quả ngôn ngữ cơ thể


Khi giảng dạy trực tuyến qua video bài giảng, bạn chỉ có thể tương tác với học viên qua giọng nói và ngôn ngữ cơ thể, không có sự tương tác hai chiều giữa học viên và giảng viên. Vì thế, nếu bạn giảng với tông giọng bình thường, học viên sẽ rất dễ mất tập trung, thậm chí buồn ngủ.

  • Bí quyết 1 – Đẩy năng lượng lên một chút: Một trong những nguyên tắc khi quay video bài giảng trực tuyến là bạn nên đẩy năng lượng lên một chút, kịch hoá hơn một chút. Nếu mức năng lượng bình thường của bạn là 5, hãy đẩy nó lên mức 7. Khi đó, học viên xem video, họ sẽ cảm thấy có sự kết nối.

  • Bí quyết 2 – Phần lớn thời gian nhìn vào camera: Hãy nhớ nhìn vào camera. Một số giảng viên hay có thói quen nhìn vào màn hình máy tính, nhìn vào slide. Việc này khiến học viên cảm thấy giảng viên không nhìn mình, từ đó, không có kết nối với giảng viên và bài giảng. Tất nhiên, bạn không nhất thiết 100% thời gian phải nhìn chằm chằm vào camera, nhưng nên đảm bảo con số 80-90%.

  • Bí quyết 3 – Tưởng tượng camera là người thân quen: Công biết một số người sẽ cảm thấy rất khó khăn khi cứ phải liên tục nhìn vào camera. Bí quyết của Công là hãy tưởng tượng camera là một người thân quen của mình, những người mình yêu thương. Khi đó, mỗi khi nhìn camera, bạn sẽ cảm thấy thân thuộc hơn, từ đó cũng mang lại nhiều cảm xúc tích cực hơn cho học viên.

  • Bí quyết 4 – Dán gần camera các gợi ý, lời nhắc quan trọng: Bạn có thể dán một vài dòng chữ ghi chú, nhắc nhở ngay cạnh camera như: Nói chậm lại (nếu bạn có thói quen nói nhanh), cười nhiều hơn,...

Để làm quen với camera, bạn không có cách nào khác ngoài luyện tập.
  • Bí quyết 5 - Luyện tập: Để làm quen với camera, bạn không có cách nào khác ngoài luyện tập. Hãy nhớ lại bí quyết 1, khi bạn đẩy năng lượng của mình lên, biểu cảm khuôn mặt cũng nên đẩy lên một chút. Nếu bạn giữ nét mặt bình thường, học viên sẽ dễ sao nhãng, không cảm nhận được năng lượng từ giảng viên.

  • Bí quyết 6 – Giữ giọng nói bằng việc uống nước thường xuyên: Để giữ giọng nói được trong trẻo, hãy luôn để một cốc nước bên cạnh. Bạn có thể uống nước ấm, hoặc mật ong chanh gừng.

  • Bí quyết 7 – Ngồi thẳng lưng để có giọng nói khoẻ và ổn định: Hãy giữ tư thế ngồi thẳng lưng. Nếu bạn ngồi tựa lưng ra sau hoặc ngồi ngả về trước, bạn sẽ không có hơi để nói. Ngồi thẳng không chỉ giúp hơi vào ra thoải mái, mà còn giúp cử động tay được thoải mái, dễ dàng hơn.

  • Bí quyết 8 - Trang phục và đầu tóc lịch sự, chỉn chu: Hãy chú ý tới trang phục, đầu tóc của mình. Hình ảnh giảng viên chuyên nghiệp sẽ tạo uy tín với học viên.


4. Lưu ý quan trọng khi ghi hình bài giảng

Hãy nhớ rằng, việc ghi hình một lèo trôi chảy từ đầu đến cuối là điều không thể.

Khi ghi hình, nếu gặp lỗi nói vấp, bạn không nên dừng ghi hình video. Thay vào đó, hãy dừng lại 2 giây và chuyển về tư thế mặc định. Khi hậu kỳ, những phần lỗi sẽ được cắt đi nên bạn sẽ không cần lo lắng về cá lỗi này. Việc dừng lại và quay về tư thế mặc định cũng giúp phần hậu kỳ xử lý nhanh hơn rất nhiều.


Hãy nhớ rằng, việc ghi hình một lèo trôi chảy từ đầu đến cuối là điều không thể. Nếu bạn cứ tắt video, rồi xem lại, rồi ghi hình lại, bạn sẽ phải tốn rất nhiều thời gian.


Trên đây là những nguyên tắc và kinh nghiệm khi hình bài giảng video được Công đúc kết sau nhiều năm giảng dạy và ghi hình bài giảng trực tuyến. Hi vọng những bí quyết này sẽ hữu ích với các bạn, giúp các bạn có những video bài giảng hiệu quả.


Để giúp bạn hiểu rõ hơn về các nguyên tắc trên, bạn có thể xem video chi tiết TẠI ĐÂY


Đỗ Thành Công

Certified Instructional Design & Virtual Training, ATD

Commentaires


bottom of page