top of page

KỸ NĂNG TRÌNH BÀY THU HÚT KHI GIẢNG DẠY TRỰC TUYẾN

Suốt thời gian qua, Công đã có cơ hội hỗ trợ rất nhiều các chuyên gia và giảng viên trong việc giảng dạy trực tuyến. Công phát hiện khá nhiều giảng viên mắc phải một điểm yếu. Đó là: Mọi người có xu hướng trình bày các thông tin một cách phức tạp, khó hiểu, lộn xộn và mơ hồ. Điều này khiến học viên cảm thấy khó tiếp nhận, khó tập trung. Thậm chí, đôi khi học viên còn cảm thấy bài giảng nhàm chán và mất hứng thú với việc học tập.


Trong bài viết này, Công sẽ chia sẻ 2 bí quyết bạn có thể ngay lập tức áp dụng vào phần trình bày bài giảng của mình, giúp việc trình bày thông tin trở nên logic và thuyết phục hơn. Từ đó tạo được hứng thú với học viên và tăng hiệu quả giảng dạy, học tập.


Bí quyết 1: Tổng quan đến Chi tiết


Bí quyết đầu tiên Tổng quan đến Chi tiết được tuân thủ theo một quy tắc của luật trí não. Trong cuốn sách Luật trí não, tác giả John Medina đã chỉ ra 12 quy tắc, trong đó có 1 quy tắc nói rằng: Não bộ sẽ chú ý và ghi nhớ tốt hơn khi thông tin được chia sẻ theo nguyên tắc Tổng quan đến chi tiết.


Bạn hãy hình dung quy tắc này giống như việc chúng ta vẽ một bản đồ tổng quan, sau đó đi vào từng chi tiết một. Khi đó, việc tiếp nhận thông tin dễ hơn rất nhiều. Đây cũng là lý do tại sao bạn thấy tất cả các quyển sách đều có phần Mục lục (tổng quan), sau đó mới đến phần nội dung (chi tiết).


Nhiều giảng viên khi giảng bài, thường không tuân theo quy tắc này, mà đi ngay vào chi tiết. Điều này khiến học viên cảm thấy rối, họ không biết giảng viên đang nói đến phần nào, bởi vì học viên không hệ thống hoá được kiến thức.


Do đó, khi giảng dạy trực tuyến, bạn nên tuân thủ theo quy tắc Tổng quan đến chi tiết. Hãy trình bày những phần lớn trước, sau đó mới đi vào từng phần nhỏ; khi đó, học sinh sẽ có thể theo dõi mạch nội dung bài giảng tốt hơn rất nhiều.

Slide bài giảng được thiết kế theo quy tắc Tổng quan đến chi tiết

Ví dụ, trong một phần giảng của Công về Virtual Training, trước khi đi vào chi tiết, Công luôn có các slide theo cấu trúc này: Trước tiên, Công giới thiệu tiêu đề lớn, phần Tổng quan về Virtual Training. Sau đó, Công giới thiệu với học viên rằng ở phần này sẽ có 2 phần nhỏ là Định nghĩa về Virtual Training và Lợi ích, ưu điểm vượt trội của Virtual Trainining. Cuối cùng, Công dẫn dắt học viên vào phần đầu tiên Định nghĩa về Virtual Training. Tất cả các phần trình bày, dẫn dắt nội dung sau đó đều cho học viên thấy được bức tranh lớn và từng bước giải quyết từng phần bên trong.


Bí quyết 2: Nói có sách, mách có chứng


“Nói có sách, mách có chứng” là câu nói quen thuộc của cha ông ta ngày xưa, và bạn hãy áp dụng nó vào quá trình dạy học trực tuyến của mình. Khi bạn áp dụng bí quyết này, bạn sẽ tăng tính thuyết phục, đồng thời giúp nội dung giảng dạy trở nên dễ hiểu hơn.


Trong cuốn sách Magic of Public Speaking, các giả Andrew Sedniev cũng đã đưa ra một công thức khá giống với câu nói “Nói có sách, mách có chứng”: Thông điệp + Diễn giải + Dẫn chứng


Công nhận thấy, hầu hết các giảng viên, chuyên gia đều thực hiện rất tốt 2 phần Thông điệp và Diễn giải nhưng lại rất ít người thực hiện được yếu tố cuối cùng. Do vậy, nếu ai thực hiện được yếu tố cuối cùng Dẫn chứng, người đó sẽ chinh phục được học viên. Học viên sẽ cảm thấy kiến thức, nội dung bạn chia sẻ có sức mạnh và rất dễ hiểu.


Khi giảng về các hoạt động tương tác trong giảng dạy trực tuýến, Công đều có các ví dụ minh hoạ cho từng hoạt động

Ví dụ, khi giảng về các hoạt động tương tác trong giảng dạy trực tuyến, Công đều có các ví dụ minh hoạ cho từng hoạt động giảng dạy đó. Do đó, học viên của Công đều cảm thấy dễ hình dung và dễ hiểu. Nếu Công chỉ nói mà không có hình ảnh minh hoạ, học viên sẽ không thể hình dung ra các hoạt động sẽ diễn ra như thế nào.


Qua bài viết này, Công đã gợi ý cho bạn 2 bí quyết giúp phần trình bày bài giảng dễ hiểu, lôi cuốn và thuyết phục hơn. Đó là:

- Tổng quan đến chi tiết

- Nói có sách, mách có chứng


Hi vọng các bạn có thể áp dụng ngay vào bài giảng trực tuyến của mình và giúp bài giảng của mình logic, thuyết phục và hấp dẫn học viên hơn.


Đỗ Thành Công

Certified Instructional Design & Virtual Training, ATD

Kommentare


bottom of page