top of page

BÍ KÍP GẮN KẾT NGƯỜI HỌC TRONG LỚP HỌC TRỰC TUYẾN

Đã cập nhật: 2 thg 10, 2023

Hiện nay, các nền tảng lớp học trực tuyến được tích hợp rất nhiều công cụ nhằm khuyến khích sự tham gia, gắn kết của người học. Không phủ nhận việc ứng dụng các công cụ này một cách thích hợp trong giảng dạy trực tuyến sẽ mang đến những trải nghiệm tích cực cho người học, tuy nhiên, những công cụ này có thật sự tạo ra sự gắn kết của người học trong lớp học trực tuyến.

Trong lớp học trực tuyến, tăng cường tương tác của người học là một điều cực kỳ quan trọng.

Chắc hẳn các bạn cũng đã từng được khuyên rằng: Cứ mỗi 3-5 phút, hãy yêu cầu người học tương tác hoặc thực hiện một hoạt động nào đó, ví dụ: thả tim, trò chuyện trong hộp chat, trả lời câu hỏi… Trong lớp học trực tuyến, tăng cường tương tác của người học là một điều cực kỳ quan trọng. Sự tương tác mang đến cho người học cơ hội giao tiếp với nhau, với giảng viên trong quá trình học tập. Sự tương tác có thể được thực hiện nhờ vào sự hỗ trợ của công nghệ như tính năng trò chuyện (chat), biểu tượng cảm xúc (emoji), thăm dò ý kiến (poll), bảng trắng (whiteboard), phòng họp nhóm (breadkout room),…


Nhiều giảng viên tin rằng điều này sẽ giúp tạo sự gắn kết người học. Có một thực tế là, người học có thể thực hiện các tương tác hoặc hoạt động trong lớp học trực tuyến, nhưng điều này không có nghĩa họ thực sự gắn kết với lớp học.


Trong một lớp học trực tuyến, điều chúng ta cần không chỉ là sự tương tác, mà là sự gắn kết thực sự. Sự gắn kết diễn ra khi người học có sự học hỏi, thực hành và chuyển hoá, giúp họ giải quyết được vấn đề của mình sau khi kết thúc khoá học.

Vậy, làm thế nào để giảng viên biết học viên của mình có học tập thật sự hay không, có gắn kết với lớp học hay không?


Bạn hãy tự hỏi mình:"Nếu người học chỉ xem lại bản ghi hình của buổi học, liệu họ có trải nghiệm giống như khi họ trực tiếp tham gia buổi học đó hay không?”


Nếu câu trả lời là “”, khả năng là bạn đang trình bày một buổi hội thảo chứ không phải đang dạy một lớp học trực tuyến. Buổi hội thảo có thể vẫn sẽ cung cấp những nội dung hay, thu hút, nhưng chắc chắn đó không phải là một lớp học trực tuyến.


Nếu câu trả lời là “Không, người học sẽ không có được trải nghiệm đầy đủ nếu chỉ xem bản ghi hình buổi học”, bạn đã tạo ra một lớp học trực tuyến với sự gắn kết cao. Ví dụ, rõ ràng học viên chỉ xem bản ghi hình buổi học sẽ không thể tham gia vào phòng họp nhóm (breakout room) để chia sẻ, tương tác và học hỏi lẫn nhau.

Trong một lớp học trực tuyến, điều chúng ta cần không chỉ là sự tương tác, mà là sự gắn kết thực sự.

Gợi ý 2 hoạt động giúp tăng tính gắn kết của người học


- Hoạt động tương tác nối tiếp: Đây là hoạt động tương tác mà người học sẽ lần lượt thực hiện khi đến lượt mình.


Ví dụ, trong buổi học đầu tiên, giảng viên có thể yêu cầu học viên lần lượt giới thiệu tên và một thông tin thú vị về bản thân mình, từng người từng người một. Mặc dù hoạt động này thu hút tất cả người học, họ thường gặp khó khăn để duy trì sự tập trung trong khi những người khác chia sẻ thông tin; đặc biệt khi giảng viên không yêu cầu người học ghi nhớ nội dung đó.


Hoặc giảng viên có thể yêu cầu học viên đóng vai. Ví dụ, trong một lớp học đào tạo về sản phẩm du lịch mới, giảng viên đã yêu cầu 1 học viên đóng vai Đại lý du lịch, các học viên khác đóng vai khách hàng. Khách hàng sẽ lần lượt đặt câu hỏi về sản phẩm du lịch mới, học viên đóng vai Đại lý sẽ lần lượt trả lời từng câu hỏi.

Khi thực hiện hoạt động tương tác nối tiếp, bạn cần lưu ý:
Đây là hoạt động tốn khá nhiều thời gian
Hãy thiết kế hoạt động thật chặt chẽ
Nên chia theo nhóm nhỏ
Đảm bảo rằng bạn có thể kiểm soát tốt hoạt động này

- Hoạt động tương tác cùng lúc


Nếu các hoạt động thu hút tất cả người học tham gia cùng một lúc có thể gây ra sự hỗn loạn ở lớp học trực tiếp, thì đây lại là lợi thế của lớp học trực tuyến. Ví dụ, trong lớp học trực tuyến, giảng viên có thể yêu cầu tất cả người học viết lên bảng trắng (white board) cùng một lúc: giới thiệu thông tin cá nhân, nêu cảm nghĩ của mình,.... Hoạt động này rất hiệu quả khi bạn muốn bắt đầu hay kết thúc một buổi học. Trong vài phút, tất cả người học sẽ cùng tham gia hoạt động này.


Hoạt động tương tác cùng lúc giúp cho người học cảm thấy họ quan trọng, họ có tiếng nói và giá trị như nhau. Với hoạt động này, người học trở thành trung tâm.

Lưu ý: Khi giảng dạy trực tuyến, bạn không nên có “tham”, đưa quá nhiều hoạt động vào bài giảng. Đối với mỗi hoạt động, người học đều cần thời gian để xử lý, thực hành, tương tác.

Nguồn tham khảo learningguild.com - Dịch bởi Đỗ Thành Công


Đỗ Thành Công

Certified Instructional Design & Virtual Training, ATD






Comments


bottom of page