top of page

5 GỢI Ý & 3 NGUYÊN TẮC GIÚP KHOÁ HỌC ONLINE GHI HÌNH SẴN KHÔNG CÒN NHÀM CHÁN

Một thách thức rất lớn của nhiều chuyên gia khi đóng gói các khóa học ghi hình sẵn, đó là người học thấy “nhàm chán” vì không có tương tác và chỉ xem video một chiều. Từ đó, họ sẽ thiếu sự tập trung và hào hứng tham gia. Hậu quả là người học sẽ dễ dừng học giữa chừng và cũng không thu lượm được nhiều nội dung hữu ích trong khóa học.


Dựa trên kinh nghiệm hơn 05 năm chuyên sâu về thiết kế chương trình cả trực tiếp và trực tuyến, cũng như hơn 1.000 giờ suốt nhiều ngày tương tác với chiếc “camera vô hồn” để tạo ra các trải nghiệm học với những người tham gia học trực tuyến, Công đã đúc kết được 05 gợi ý quan trọng để giúp bạn có thể tăng khả năng gắn kết và mức độ hứng thú của người học với các khóa học online ghi hình sẵn:


1. Lên kịch bản nội dung chi tiết, kèm theo các tương tác và hoạt động phù hợp


Một sai lầm của nhiều người là không lên kịch bản chi tiết, đến khi ghi hình thì bị lan man, lộn xộn và tốn rất nhiều thời gian công sức. Bạn càng xây kịch bản chi tiết bao nhiêu thì bạn càng dễ dàng ghi hình video hiệu quả bấy nhiều.


Mỗi video bài giảng sẽ cần có 1 cấu trúc cụ thể (Mở-Thân-Kết) và chỉ tập trung giải quyết trọn vẹn 1 nội dung hay 1 mục tiêu nhỏ nào đó.

Mỗi video bài giảng sẽ cần có 1 cấu trúc cụ thể (Mở-Thân-Kết) và chỉ tập trung giải quyết trọn vẹn 1 nội dung hay 1 mục tiêu nhỏ nào đó. Bạn có thể lồng thêm các câu hỏi tương tác, bài tập trong lúc trình bày hoặc dẫn giảng. Bạn có thể ghi chú xem đoạn nào thì lồng ảnh, lồng hiệu ứng,.... Tất cả mọi thứ khi có kế hoạch trước thì lúc ghi hình, bạn sẽ tự tin hơn nhiều và biết ứng biến phù hợp theo tình huống.


2. Nội dung thực tiễn, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ áp dụng


Nhiều người khi đóng gói video bài giảng thường chỉ tập trung chia sẻ kiến thức, lý thuyết, và thường khiến người học “bội thực thông tin”. Nhưng điều người học cần là họ muốn nghe những ví dụ, câu chuyện thực tế sát với tình huống của họ, họ muốn tiếp nhận những thứ đơn giản, dễ hiểu và có thể sử dụng ngay.


Do đó, bạn sẽ cần chọn lọc rất kỹ lượng nội dung trọng tâm, có thêm các ví dụ minh họa. Đặc biệt, bạn có thể hệ thống hóa nội dung thành các công thức, từ khóa, các bước đơn giản để chia sẻ trên video. Còn với các nội dung dài và chi tiết, bạn có thể đính kèm thành các tài liệu, link tham khảo trong khóa học để người học có thể nghiên cứu thêm.


Ví dụ, khi Công hướng dẫn cho các giảng viên về một cấu trúc bài giảng theo tiêu chuẩn thế giới, Công dùng công thức ROPES (Review & Relate, Overview, Presentation, Exercise, Summary), sau đó Công diễn giải và lấy các ví dụ. Như vậy, người học sẽ rất dễ dàng tiếp nhận và ứng dụng.


3. Nói chuyện với Camera như là với người thân yêu


Công biết nhiều người rất tự tin khi đứng lớp giảng dạy trực tiếp và có nhiều kinh nghiệm làm việc đó, nhưng khi ở trước camera thì bị “đứng hình”, “mất hứng”, “không tự nhiên” và không thể nào nói trôi chảy được. Lý do là vì nhìn vào camera không giống như nhìn trực tiếp vào học viên đang ngồi tập trung lắng nghe và tương tác liên tục với mình.


Bí quyết ở đây là hãy cố gắng “tưởng tượng” ống kính camera là một người thân yêu của mình, hãy hình dung khuôn mặt và nụ cười của họ, hoặc hãy hình dung đằng sau ống kính đó sẽ là hàng trăm, hàng ngàn người đang rất muốn lắng nghe những kiến thức, kinh nghiệm của mình. Ban đầu sẽ hơi gượng gạo, nhưng chỉ sau vài lần, bạn sẽ quen hơn. Và đặc biệt, bạn chỉ cần vượt qua 1-2 giờ đầu tiên (đa phần sẽ hơi vấp 1 chút) thì các giờ tiếp theo khi ghi hình sẽ “rất bon mồm” và “tự nhiên”.

Hãy cố gắng “tưởng tượng” ống kính camera là một người thân yêu của mình

4. Đẩy năng lượng và cảm xúc tích cực của bản thân


Thường khi ở trên lớp trực tiếp, mình sẽ dễ có nhiều cảm hứng và cảm xúc khi được kết nối trực tiếp với học viên. Nhưng sẽ hơi khó khăn khi mình đứng trước ống kính để ghi hình. Nếu mình không điều chỉnh một chút về năng lượng thì video bài giảng của chúng ta rất dễ “gây buồn ngủ”. Vì học viên sẽ xem video 1 chiều, do vậy khi ghi hình, chúng ta nên cố gắng đẩy năng lượng và cảm xúc “hơn 1 chút”, ví dụ từ 5 điểm lên 7 điểm.


Hãy cười nhiều hơn, hãy sử dụng linh hoạt hơn về cử chỉ tay, biểu cảm khuôn mặt và giọng nói đầy hào hứng, việc này sẽ giúp tăng sự hứng thú và kết nối của học viên vào bài giảng.


5. Lồng ghép các hiệu ứng phù hợp trong video bài giảng


Người học thường sẽ thấy rất chán khi video bài giảng cứ đều đều, ít hiệu ứng, chỉ có giảng viên nói liên tục hoặc chỉ có slide tĩnh kèm theo tiếng nói. Nếu được, bạn nên có nhiều sự thay đổi hiệu ứng linh hoạt trong bài giảng (tất nhiên không nên nhiều quá). Bạn hãy làm nổi bật những từ khóa quan trọng, lúc thì zoom ra, lúc thì zoom vào, lúc hiện ảnh, lúc hiện mặt, lúc có âm nhạc, có âm thanh liên quan,... Nói chung, bạn cần thay đổi đa dạng và liên tục trong video để học viên thấy bớt nhàm chán và duy trì được sự hứng thú và hào hứng.


Ngoài 05 gợi ý trên, Công muốn chia sẻ thêm 03 nguyên tắc khi triển khai các video bài giảng trực tuyến:


1. Thời lượng mỗi video bài giảng <6 phút

Đây là khảo sát nghiên cứu trên toàn cầu, nếu video dài quá 6 phút thì tỷ lệ tập trung của đa số học viên sẽ xuống rất thấp. Nên bạn hãy cố gắng rút gọn nội dung của mình trong từng video để đảm bảo thời lượng vừa đủ. Nhưng nếu nội dung quá dài thì có thể chia thành 2-3 video nhỏ hơn (chia theo phần)


2. Chất lượng hình ảnh và âm thanh cần đảm bảo

Đối với video bài giảng thì phần hình ảnh và âm thanh cực kỳ quan trọng, bạn nên đầu tư 1 chút từ việc ghi hình chất lượng tối thiểu từ độ phân giải HD (720p) trở lên, đẹp nhất là Full HD (1080p), còn micro thì nên dùng loại cài áo để mic luôn sát miệng của mình, nếu có di chuyển, lắc lư cơ thể thì cũng không ảnh hưởng đến chất lượng âm thanh


3. Hiệu ứng vừa phải và phù hợp

Video mà không có hiệu ứng thì rất nhàm chán, nhưng nếu dùng nhiều quá thì sẽ lại gây mất tập trung cho học viên. Chúng ta chỉ dùng hiệu ứng để nổi bật các nội dung, thông tin, từ khóa qua trọng thôi, cứ trung bình khoảng 30 giây hoặc 60 giây sẽ có một hiệu ứng hoặc một sự thay đổi nào đó trên video để tăng sự linh hoạt, đa dạng.

Vậy là trên đây, Công đã chia sẻ cho bạn 5 gợi ý và 3 nguyên tắc để giúp tạo ra video bài giảng trực tuyến lôi cuốn và thu hút người học:


5 gợi ý:

  1. Lên kịch bản nội dung chi tiết, kèm theo các tương tác và hoạt động phù hợp

  2. Nội dung thực tiễn, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ áp dụng

  3. Nói chuyện với Camera như là với người thân yêu

  4. Đẩy năng lượng và cảm xúc tích cực của bản thân

  5. Lồng ghép các hiệu ứng phù hợp trong video bài giảng

3 nguyên tắc:

  1. Thời lượng mỗi video bài giảng <6 phút

  2. Chất lượng hình ảnh và âm thanh cần đảm bảo

  3. Hiệu ứng vừa phải và phù hợp

Đỗ Thành Công

Certified Instructional Design & Virtual Training, ATD


Comments


bottom of page