top of page

3 SAI LẦM KINH ĐIỂN KHI ĐÀO TẠO TRỰC TUYẾN

Đã cập nhật: 2 thg 10, 2023

Dù là người mới hay đã là một chuyên gia đào tạo trực tuyến, bạn cũng có thể mắc phải 3 sai lầm kinh điển khi đào tạo trực tuyến. Hôm nay, Công và chị Ngọc Ánh - chuyên gia khai vấn sẽ cùng bạn tìm hiểu về lý do cũng như giải pháp cho 3 sai lầm này.


1. SAI LẦM 1: TƯ DUY ĐẦU VÀO

Những người làm đào tạo hầu hết đều biết rằng, khi thiết kế một chương trình, cần phải nắm rõ: Đối tượng đào tạo, nhu cầu đào tạo và mục tiêu đào tạo. Thế nhưng, trên thực tế, khi bắt tay vào thiết kế chương trình giảng dạy, không ít người đã quên mất điều này.

Nguyên nhân chính là do Tư duy đầu vào của người làm đào tạo. Tư duy đầu vào là gì?


Tư duy đầu vào, tư duy đầu ra là khái niệm đã được giáo sư Phan Văn Trường (cha đẻ cuốn sách “Một đời thương thuyết", "Một đời quản trị", "Một đời như kẻ tìm đường", chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đàm phán quốc tế và là cố vấn của Chính phủ Pháp về thương mại Quốc tế) nhắc đến nhiều lần trong các buổi nói chuyện.

Tư duy đầu vào, tư duy đầu ra là khái niệm đã được giáo sư Phan Văn Trường chia sẻ rất nhiều trong các chương trình Cấy nền

Công đã vận dụng khái niệm này của giáo sư vào lĩnh vực đào tạo trực tuyến. Theo Công, Tư duy đầu vào trong đào tạo trực tuyến là việc người đào tạo thường biên soạn nội dung giảng dạy dựa trên những kiến thức, kinh nghiệm mình có và thấy tâm đắc. Thực tế cho thấy, rất nhiều chuyên gia mắc phải sai lầm này bởi các chuyên gia thường là người có lượng kiến thức khổng lồ và phong phú. Họ tham lam, muốn truyền đạt hết tất cả những gì mình biết cho người học mà quên mất nhu cầu thực sự của học viên.

Kết quả là gì? Người đào tạo thường rơi vào tình trạng cháy giáo án, còn học viên thì bị quá tải thông tin. Học viên học nhiều kiến thức nhưng lại không có kiến thức hữu ích giúp họ giải quyết vấn đề của mình.

GIẢI PHÁP: TƯ DUY ĐẦU RA

Để giải quyết vấn đề này, người làm đào tạo phải thay đổi từ Tư duy đầu vào thành Tư duy đầu ra. Trước khi thiết kế giảng dạy, người làm đào tạo cần thực hiện việc khảo sát học viên. Việc khảo sát này giúp người dạy hiểu rõ: vấn đề của học viên, trình độ của học viên, kỳ vọng của học viên khi kết thúc khoá học…. Từ đó, người làm đào tạo mới quyết định Nội dung đào tạo.

Dù có không ít kinh nghiệm đào tạo, Công cũng đã đôi lần mắc phải sai lầm Tư duy đầu vào

Bản thân Công cũng đã từng mắc phải sai lầm này khi bắt đầu xây dựng nội dung cho chương trình Becoming a successful online trainer. Trước đó, dựa vào kinh nghiệm của mình, Công nghĩ rằng công nghệ, cách tương tác khi dạy online là 2 vấn đề lớn nhất của người làm đào tạo trực tuyến. Vì vậy, Công đã lên phác thảo về kịch bản cho khóa học, trong đó tập trung rất nhiều nội dung vào 2 vấn đề này.


Thế nhưng, trong gần 2 tháng trò chuyện 1:1, cũng như làm khảo sát với các khách hàng tiềm năng, Công mới nhận ra rằng hoá ra mình đã nhầm. Thực tế, thứ mà các khách hàng tiềm năng của khóa học quan tâm lại là cách Thiết kế chương trình, Chiến lược bán khoá học và một vài nội dung khác nữa. Từ kết quả khảo sát này, Công đã thay đổi toàn bộ chương trình giảng dạy để phù hợp với nhu cầu học viên của mình.

Chị Nguyễn Ngọc Ánh, phụ trách Sales và Marketing tại Học viện chiến lược nhân sự HSM - Đơn vị đào tạo, tư vấn, cung cấp các khóa học & chương trình đào tạo cho doanh nghiệp - chia sẻ: Nhiều khách hàng khi được hỏi lý do tại sao lại chọn HSM trong rất nhiều công ty đào tạo khác thì họ cho biết rằng họ ấn tượng với cách HSM làm khảo sát rất kỹ trước mỗi khoá đào tạo.


Không những thế, HSM còn có những buổi họp cụ thể với ban lãnh đạo công ty khách hàng để hiểu tầm nhìn, chiến lược; rồi ngồi lại với phòng đào tạo công ty khách hàng, xem lại các video mà giảng viên đào tạo đã giảng dạy để phân tích, tổng hợp thông tin. Đó chính là các nguyên liệu để HSM xử lý, tạo ra những chương trình đào tạo chất lượng, “đo ni đóng giày” cho từng khách hàng cụ thể. Khi mình hiểu về khách hàng, dành nhiều tâm huyết, thời gian khảo sát, chương trình giảng dạy của mình sẽ rất khác biệt.

Chị Nguyễn Ngọc Ánh, phụ trách Sales và Marketing tại Học viện chiến lược nhân sự HSM, cho biết phần lớn khách hàng chọn HSM do ấn tượng với cách HSM làm khảo sát trước khi đào tạo

Bí quyết để vận dụng Tư duy đầu ra khi thiết kế chương trình đào tạo:

- Làm form khảo sát trực tuyến - Phỏng vấn 1:1 chuyên sâu - Công thức 60-40: chỉ chuẩn bị 60% nội dung giảng dạy, 40% còn lại được sẽ điều chỉnh linh hoạt dựa trên kết quả khảo sát liên tục trước và cả trong quá trình dạy.


2. SAI LẦM THỨ 2: TIẾN SĨ GÂY MÊ

Tiến sĩ gây mê thực sự là nỗi ám ảnh với người học. Điểm nổi bật của những khoá học “ru ngủ” này là sự tương tác một chiều: Người dạy cứ thao thao giảng, không cho học viên cơ hội được lên tiếng, được chia sẻ. Sai lầm này thường gặp ở những người rất nhiều kinh nghiệm, kiến thức nhưng lại thiếu đi một số kỹ năng giảng dạy, điều phối. Họ chỉ tập trung vào việc truyền tải kiến thức, không để ý đến việc cần phải tương tác với học viên. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khả năng tập trung của học viên, nhất là khi đào tạo trực tuyến, học viên có thể tắt mic, tắt cam và giảng viên thì không biết học viên đang làm gì.


Các nghiên cứu về não bộ cho thấy, khi học trực tiếp (face-to-face), thời gian tập trung của não bộ chỉ khoảng 8-10 phút. Sau khoảng thời gian này, học viên sẽ bắt đầu sao nhãng. Còn với lớp học trực tuyến thì sao? Thời gian tập trung của não bộ sẽ giảm một nửa, trung bình khoảng 4 phút vì họ có quá nhiều thứ xung quanh có thể gây xao nhãng; đồng thời, khi họ tắt micro & camera thì họ có thể làm mọi thứ họ muốn mà không ai kiểm soát. Đúng vậy, học viên học trực tuyến chỉ tập trung được trong vòng 4 phút.

Các nghiên cứu cho thấy, thời gian tập trung của não bộ khi học online sẽ giảm một nửa, trung bình khoảng 4 phút. Sau khoảng thời gian này, học viên sẽ bắt đầu sao nhãng.

Vậy phải làm thế nào để giúp học viên tập trung chú ý vào bài giảng của mình? GIẢI PHÁP: NGUYÊN TẮC TƯƠNG TÁC 4 PHÚT

Mỗi 4 phút, hãy thực hiện một tương tác nào đó với học viên. Tương tác không cần quá phức tạp. Có thể đơn giản là dừng lại, hỏi học viên một câu hỏi, yêu cầu học viên chọn reactions (phản ứng); hoặc chiếu một video; hoặc kể một câu chuyện… Hãy làm một phép tính đơn giản. Nếu có một chương trình đào tạo dài khoảng 1 tiếng, trung bình 4 phút cần một tương tác, vậy người làm đào tạo cần chuẩn bị khoảng 12-15 tương tác. Chuẩn bị kỹ nội dung, hoạt động tương tác sẽ giúp người dạy nắm được chính xác số lượng người đang thực sự tập trung nghe giảng, từ đó điều chỉnh linh hoạt để thu hút sự tập trung của học viên.

3. SAI LẦM 3: TÔI CHỈ LÀM CHUYÊN MÔN, TÔI KHÔNG GIỎI BÁN HÀNG

Sai lầm thứ 3 cũng chính là sai lầm Công đã mắc phải. Trong khoảng thời gian hơn 8 năm làm đào tạo, Công từng nghĩ rằng mình chỉ làm chuyên môn, chuyên sâu về thiết kế chương trình và rất ngại khi phải trò chuyện, thuyết phục khách hàng chốt giải pháp đào tạo của mình. Đang hào hứng chia sẻ kiến thức, tự nhiên đề cập đến khoá học, đến việc tuyển sinh, Công thường cảm thấy không thoải mái chút nào.

Để tiến xa hơn trên con đường trở thành chuyên gia đào đạo, mọi người cần phải từ bỏ tư duy sai lầm này. Thực tế, khi bạn giỏi chuyên môn bạn sẽ bán hàng cực dễ.

GIẢI PHÁP: THAY ĐỔI TƯ DUY

Chị Nguyễn Ngọc Ánh trước đây cũng chỉ làm công tác chuyên môn, cũng có đứng lớp đào tạo, giảng dạy. Chị từng rất rụt rè, không tự tin khi được giao nhiệm vụ bán khoá học HSM. Vậy mà sau một thời gian ngắn, 80% các khách hàng của HSM đều do Ánh chốt sale.

Bí mật của Ánh là thay đổi tư duy về việc bán hàng. Đừng nghĩ bán hàng là một cái gì đó quá khủng khiếp. Đơn giản, đó là việc bạn thuyết phục người khác. Bạn bán chương trình đào tạo, là bạn bán giải pháp, bán dịch vụ cho khách hàng. Khi bạn là chuyên gia, bạn thực sự hiểu về lĩnh vực của mình, bạn sẽ dễ dàng đưa ra giải pháp giúp khách hàng giải quyết vấn đề của họ. Khách hàng nhận ra giá trị bạn mang lại cho họ và sự nhiệt huyết của bạn, họ sẽ lựa chọn bạn.


Nếu bạn là một chuyên gia nhưng lại không sẵn sàng giới thiệu sản phẩm tri thức của mình cho người khác, thì cũng giống như một người thầy thuốc có phương thuốc chữa bệnh mà lại giấu đi. Hãy truyền đi những giá trị tốt đẹp, đó là điều chúng ta nên làm và phải làm. Chị Nguyễn Ngọc Ánh - ICF Certified Coach

Thực ra, còn rất nhiều sai lầm những người làm đào tạo trực tuyến có thể mắc phải. Tuy nhiên, Tư duy đầu vào, Tiến sĩ gây mêTôi không giỏi bán hàng là 3 sai lầm lớn nhất mà Công đã đúc kết lại từ chính kinh nghiệm và sai lầm của mình. Khi nhận ra sai lầm cũng là lúc mình tìm cách khắc phục và tạo ra những chương trình giảng dạy hiệu quả hơn.


Mr. Đỗ Thành Công

Virtual Training Master - Senior Trainer – Learning Designer - Hơn 8 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đào tạo-phát triển.

- Hơn 4.000 giờ trực tiếp đào tạo & huấn luyện hơn 1.200 anh chị quản lý, lãnh đạo, chuyên gia và đội ngũ giảng viên nội bộ của các công ty, tập đoàn về kỹ năng thiết kế chương trình và kỹ năng giảng dạy trực tuyến và trực tiếp.


Mrs. Nguyễn Ngọc Ánh

ICF Certified Coach

- Hơn 4 năm với vai trò coach chuyên nghiệp, huấn luyện viên cá nhân và nhóm

- Gần 5 năm đứng lớp đào tạo các môn: giao tiếp, thuyết trình, kỹ năng tạo dựng mối quan hệ,...

- Gần 10 năm đảm nhận vai trò quản lý kinh doanh & đối tác cho các công ty


Comments


bottom of page