top of page

3 NGUYÊN NHÂN KHIẾN ĐÀO TẠO TRỰC TUYẾN KHÔNG HIỆU QUẢ

Không ít giảng viên nhận ra rằng các chương trình đào tạo trực tuyến của họ không đạt hiệu quả như kỳ vọng cho dù họ đã thiết kế nội dung bài giảng rất kỹ lưỡng. Bài viết này sẽ giúp bạn nhận ra 3 nguyên nhân khiến chương trình đào tạo trực tuyến của bạn thất bại.

1. Chương trình đào tạo được thiết kế chỉ để học chứ không phải để tạo sự chuyển hoá


Giảng viên và người thiết kế chương trình đào tạo thường nghĩ rằng công việc của họ đã hoàn tất sau khi khoá học kết thúc. Họ nghĩ rằng chỉ cần đảm bảo người học đã học được kiến thức và kỹ năng cần thiết trong khoá học của mình là đủ.


Việc học được kiến thức, kỹ năng là cần thiết. Nếu không đạt được điều này, chương trình sẽ thất bại. Tuy nhiên, chỉ như thế thôi sẽ không đủ. Bởi vì có kiến thức, kỹ năng không có nghĩa là người học sẽ có sự chuyển hoá.

Một khoá học được thiết kế để cung cấp kiến thức cho người học là một khoá học tốt. Nhưng nếu nó được thiết kế chỉ để cung cấp kiến thức cho người học là một khoá học chưa thành công. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc này:

  • Khi thiết kế một khoá học trực tuyến, nhiều giảng viên bị cuốn vào việc làm sao để trình bày bài giảng một cách hấp dẫn mà quên mất phải tập trung vào phần ứng dụng thực tế và các kết quả có được của học viên sau khi kết thúc khóa học.

  • Hiện nay, sách và các tài liệu hướng dẫn thiết kế khoá học trực tuyến có xu hướng tập trung nhiều hơn vào khía cạnh tương tác và gắn kết của các chương trình học tập, thiếu nội dung về việc kết hợp các ứng dụng thực tế và các tác động tới công việc & cuộc sống.

  • Nhiều giảng viên nghĩ rằng người học sẽ tự biết cách sử dụng kiến​​ thức mới của họ trong công việc. Tuy nhiên, thực tế là, giảng viên cần chú ý xây dựng chương trình để người học vượt qua các trở ngại, rào cản. Như vậy, người học mới dễ dàng áp dụng kiến thức đã học vào thực tế.

  • Một số giảng viên đơn giản bỏ qua yếu tố chuyển hoá vì người học dường như không muốn dành thời gian, công sức và nguồn lực cho vấn đề này. Điều này xảy ra khi chúng ta có quan niệm sai lầm rằng khoá học trực tuyến không cần thiết kế chặt chẽ như khoá học trực tiếp.

  • Một số giảng viên lại tin rằng việc ứng dụng thực tế và sự chuyển hoá của khoá học nằm ngoài tầm kiểm soát của họ. Với lối suy nghĩ này, họ chọn tập trung vào những gì họ có thể kiểm soát (những gì xảy ra trong chương trình học) và không chú ý đến những gì họ không thể kiểm soát (những gì xảy ra ngoài chương trình học).

W. Edwards Deming, chuyên gia về quản lý chất lượng nổi tiếng, đã nói: “Mọi hệ thống đều được thiết kế hoàn hảo để đạt được kết quả mà nó nhận được”. Nếu bạn thiết kế khoá học chỉ với mục đích cung cấp kiến thức, đó sẽ là những gì bạn sẽ nhận được. Nếu bạn thiết kế khoá học với mục đích tạo sự chuyển hoá cho học viên, bạn sẽ có được điều đó. Do đó, điều quan trọng là thiết kế để tạo ra sự chuyển hoá, sau đó bạn sẽ phải kết hợp việc học và ứng dụng để đạt được sự chuyển hoá. Xét cho cùng, sự chuyển hoá là thước đo học tập.


Giải pháp:

Để bắt đầu với mục tiêu cuối cùng, bạn phải tập trung vào sự chuyển hoá của chương trình đào tạo. Từ đó, bạn phải tập trung tạo ra các công cụ, quy trình, biểu mẫu… để giúp người học có sự chuyển hoá.


2. Đa nhiệm trong đào tạo trực tuyến


Một trong những thách thức lớn nhất trong đào tạo trực tuyến là sự sao nhãng của người học. Môi trường học tập trực tuyến khiến người học dễ mất tập trung và không thực sự chú ý đến việc học. Việc người học đa nhiệm – làm nhiều việc cùng lúc trong khi học - chắc chắn sẽ cản trở quá trình học tập.

Môi trường học tập trực tuyến khiến người học dễ mất tập trung và không thực sự chú ý đến việc học.

Giải pháp:

Có khá nhiều cách để tăng cường sự tham gia và tương tác, đồng thời cũng nâng cao sự tập trung khi học của người học. Ví dụ: Trong vòng 5 phút đầu tiên của buổi học, hãy nhanh chóng thiết lập kết nối với người học, giúp họ sớm tập trung vào bài học. Trong quá trình đào tạo, thường xuyên đặt các câu hỏi để thu hút sự chú ý của người học, cho người học cảm thấy họ là một phần của trải nghiệm học. Ngoài ra, hãy tận dụng những công cụ tương tác của nền tảng học tập trực tuyến, yêu cầu người học đưa ra biểu tượng cảm xúc, hoàn thành bảng thăm dò ý kiến hoặc giơ tay đặt câu hỏi, chia học viên thành các nhóm nhỏ để tham gia thảo luận,…


Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, nếu giảng viên không kiểm soát tốt, các hoạt động tăng cường sự tương tác, vui vẻ của người học có thể làm giảm đáng kể lượng kiến thức mà người học có thể học. Do đó, giảng viên cần phải cân bằng giữa các hoạt động và nội dung học tập.


3. Những vấn đề liên quan tới công nghệ


Rõ ràng, học tập trực tuyến sẽ thất bại nếu công nghệ gặp trục trặc. Người học sẽ không thể học hiệu quả nếu họ phải dành thời gian để kết nối lại với lớp học khi đường truyền Internet gặp sự cố. Tiếng giảng viên bị giật hay các công cụ của lớp học không hoạt động mượt mà cũng sẽ khiến người học mất tập trung.

học tập trực tuyến sẽ thất bại nếu công nghệ gặp trục trặc.

Giải pháp:

Để tránh những rắc rối này, hãy chuẩn bị thật kỹ càng trước khi buổi học bắt đầu. Khi đã lường trước được những vấn đề có thể xảy ra, bạn sẽ dễ dàng ứng phó khi mọi thứ diễn ra không như kế hoạch.


Trong trường hợp sự cố xảy ra, hãy giữ bình tĩnh, suy nghĩ, đánh giá tình hình và đưa ra quyết định phải làm gì tiếp theo. Bạn cũng được khuyến khích nên có một trợ lý. Trợ lý sẽ hỗ trợ bạn can thiệp và giải quyết sự cố trong khi bạn tiếp tục lớp học của mình.

Bắt đầu bằng mục tiêu cuối cùng

Trong cuốn “7 thói quen của người thành đạt”, Stephen Covey đã nói rằng, chúng ta nên bắt đầu từ mục tiêu cuối cùng. Bạn phải nhận ra rằng mục đích không phải là học tập - học tập chỉ đơn giản là một phương tiện để đạt được mục đích. Và nó cũng không phải là ứng dụng - ứng dụng là một phương tiện khác để đạt được mục đích. Nếu chúng ta xác định được tác động mong muốn, chúng ta có thể bắt đầu từ đó, cho người học thấy rõ những gì cần thiết và những gì họ phải làm để thành công.

Bước đầu tiên trong việc thiết kế giải pháp học tập trực tuyến là tập trung vào kết quả. Bạn phải xác định cụ thể kết quả cuối cùng, điều này giúp bạn xác định chính xác tất cả các chi tiết để đảm bảo lập kế hoạch phù hợp và thực hiện thành công.

Nguồn tham khảo ATD - Dịch bởi Đỗ Thành Công

Đỗ Thành Công

Certified Instructional Design & Virtual Training, ATD




Comments


bottom of page