Nếu bạn đã từng đào tạo trực tiếp trước đây và có những trải nghiệm khi đào tạo trực tuyến thì chắc hẳn bạn sẽ đồng ý rằng: Một lớp học trực tuyến sẽ có rất nhiều điểm khác biệt so với một lớp học truyền thống. Giảng viên trong lớp học trực tuyến không những phải tập trung hơn vào trải nghiệm, sự hài lòng cũng như khả năng chuyển hoá sau khi học của học viên, giảng viên còn phải hiểu biết và sử dụng thành thạo về công nghệ, yếu tố then chốt quyết định sự thành công của đào tạo trực tuyến.
Khi chuyển sang hình thức đào tạo trực tuyến, bạn sẽ cần phải thay đổi các hoạt động học tập và các tương tác với học viên. Bên cạnh đó, bạn còn phải thay đổi toàn bộ kịch bản giảng dạy để phù hợp với hình thức đào tạo mới. Dẫu vậy, đừng quá lo lắng, đào tạo trực tuyến là một trải nghiệm rất thú vị đối với cả người dạy và người học.
Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn những thông tin bạn cần biết trước khi triển khai một khoá học trực tuyến - virtual training. Đây đều là những kinh nghiệm quý báu được đúc kết bởi Nikki O’Keeffe, giảng viên nội bộ của ATD - Association for Talent Development, người đã có nhiều năm kinh nghiệm phát triển chiến lược và tầm nhìn trong lĩnh vực đào tạo.
1. Chuẩn bị các thiết bị công nghệ
Trong đào tạo trực tuyến, kết nối Internet cực kỳ quan trọng. Bạn cần có kết nối Internet ổn định, điện thoại cố định, điện thoại di động dự phòng và tai nghe.
Bí quyết là hãy sử dụng hai màn hình. Thực tế, máy tính xách tay không phải là công cụ lý tưởng bởi màn hình nhỏ, bạn sẽ khó theo dõi được diễn biến của buổi đào tạo. Nếu bạn đã có một chiếc laptop, hãy chuẩn bị một màn hình thứ hai (màn hình desktop này không cần quá xịn hay đắt tiền).
Luôn có kế hoạch dự phòng khi các thiết bị gặp sự cố. Ví dụ, một thiết bị phát wifi trong trường hợp mất kết nối internet, tai nghe dự phòng… Hãy nhớ, sự cố kỹ thuật có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.
Bạn có thể tham khảo hướng dẫn thiết lập công nghệ và công cụ khi đào tạo trực tuyến của Công qua video
2. Cần người hỗ trợ/trợ lý
Tốt nhất là bạn nên có một người hỗ trợ về mặt kỹ thuật trong lớp học trực tuyến. Trợ lý/ người hỗ trợ sẽ cho phép bạn tập trung vào nội dung giảng dạy và người học, thay vì lo lắng xử lý các vấn đề về hậu cần. Hãy trao đổi với trợ lý/ người hỗ trợ về những kỳ vọng của bạn trước khi bắt đầu khoá học. Thảo luận về cách thức giao tiếp, các chú ý về thời gian và cách xử lý câu hỏi trong hộp chat trong khi bạn đang giảng dạy.
3. Tận dụng các tính năng tương tác
Hãy sử dụng nền tảng cho phép tương tác, như ZOOM, MS Team hoặc WebEx Training Center. Khi những công cụ này được sử dụng hợp lý, trải nghiệm lớp học trực tuyến có thể mang tính tương tác cao không kém trải nghiệm lớp học truyền thống.
Sau 3-5 phút, hãy cố gắng lồng ghép một hoạt động tương tác. Bạn có thể sử dụng chú thích bảng trắng (annotation), chat, tích đồng ý/không đồng ý và biểu tượng cảm xúc (reactions). Việc sử dụng khéo léo, cân bằng các hoạt động tương tác sẽ giúp người học hứng thú và tham gia nhiệt tình vào buổi học.
Tính năng chia nhóm (breakout room) là một tính năng tuyệt vời giúp bạn chia lớp học thành các nhóm nhỏ như trong lớp học trực tiếp. Ví dụ, bạn có thể chia lớp thành các nhóm nhỏ để thảo luận về một chủ đề nào đó, yêu cầu từng nhóm viết, vẽ câu trả lời của mình, sau đó khi tất cả mọi người quay trở lại lớp học, các nhóm sẽ chia sẻ câu trả lời của nhóm mình.
4. Sử dụng bảng thảo luận (discussion board)
Bạn có thể sử dụng bảng thảo luận để gửi lời chào tới học viên tham gia khoá học, chia sẻ về bản thân, cũng như thông tin về khoá học. Bạn cũng có thể yêu cầu học viên sử dụng bảng thảo luận để giới thiệu về bản thân
.
Sau mỗi phần của bài giảng, hãy sử dụng bảng thảo luận để đăng nội dung chính ở phần tiếp theo hoặc trả lời các câu hỏi mà bạn chưa có thời gian trả lời.
Khi lớp học kết thúc, bạn có thể đăng lời chúc mừng, lưu ý các bước tiếp theo và tạo không gian để người học chia sẻ thông tin liên hệ.
Bạn có thể sử dụng rất nhiều công cụ/nền tảng khác nhau cho bảng thảo luận này. Ví dụ như: Tính năng Whiteboard mới của ZOOM, Google Jamboard, Miro, Mural,....
5. Cá nhân hoá trải nghiệm
Bạn nên tạo không khí cởi mở, thoải mái cho buổi học bằng các cuộc trò chuyện ngắn trước và sau khi kết thúc lớp học. Hãy gọi tên người học thay vì chỉ gọi chung chung anh/chị/bạn.
Bạn cũng nên lưu ý các câu hỏi, nội dung mà người học đã chia sẻ để có thể phản hồi họ trong các buổi trò chuyện sau đó. Nikki O’Keeffe chia sẻ rằng, sau giờ nghỉ giải lao, bà thường khởi động lại lớp học bằng cách hỏi các học viên những câu hỏi ngắn khác nhau và chỉ yêu cầu họ trả lời bằng một từ. Ngoài ra, hãy đa dạng hoá các hoạt động để tăng trải nghiệm người học.
Nguồn tham khảo ATD - Dịch bởi Đỗ Thành Công
Đỗ Thành Công
Certified Instructional Design & Virtual Training, ATD
Co-founder, Vietnam Learning Design Group
Comments